Một sơ yếu lí lịch (CV) đẹp là công cụ quan trọng giúp bạn có được cuộc phỏng vấn việc làm tại công ty Nhật.
Nhưng có được nhận hay không, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cách thể hiện của bạn trong buổi phỏng vấn trực tiếp với các nhà quản lí người Nhật.

1. Đến phỏng vấn đúng giờ trước 10-15 phút
Hãy cố gắng đến nơi phỏng vấn trước 10 – 15 phút so với giờ hẹn. Nếu bạn đợi sát giờ hoặc canh để đến nơi vừa tròn giờ hẹn, chẳng may đường kẹt xe hoặc xe hỏng thì bạn sẽ trễ giờ. Và khi đi sát giờ thì khả năng xảy ra tai nạn hoặc là bị thương cũng sẽ trở nên lớn hơn. Và đương nhiên lý do đến trễ vì kẹt xe sẽ thể hiện bạn không chuẩn bị chu đáo, không coi trọng cuộc phỏng vấn này.
Nếu bạn không thể đến đúng giờ, hãy gọi điện thoại cho nhà tuyển dụng trước thời gian đã hẹn và trình bày lý do đến muộn. Đồng thời cho biết lúc đó bạn đang ở đâu và sẽ đến vào lúc mấy giờ. Người Nhật rất coi trọng thời gian nên bạn hãy hết sức chú ý!
Vì sao bạn nên đến sớm?
Việc đến sớm sẽ giúp bạn có thêm thời gian để xem lại trang phục, ngoại hình, xem lại hồ sơ cá nhân mang theo cũng như lấy lại sức khỏe sau khi vừa đi một quảng đường xa đến nơi phỏng vấn. Theo kinh nghiệm làm việc của Step Up với các nhà tuyển dụng Nhật Bản. Khoảng thời gian trước 10 phút đến đúng giờ hẹn được xem là khoảng thời gian muộn. Chẳng hạn nếu như bạn có cuộc hẹn lúc 8h30, hãy tranh thủ để đến trước lúc 8h10 – 8h20.
Người Nhật có câu: Đi làm đến trước: 15 phút. Đi chơi đến trước 5 phút.
2. Chọn trang phục phù hợp
Trang phục khi phỏng vấn, đối với bạn Nam nên chọn áo sơ mi trắng, thắt cà vạt, quần tây và mang giày da. Đối với Nữ, hãy đến với trang phục tươm tất và sạch sẽ, chứ không phải những trang phục loè loẹt như khi đi hẹn hò hay đi chơi, và chú ý không trang điểm quá đậm.
3. Tác phong chào hỏi
Hãy chào hỏi theo tác phong của người Nhật, chào hỏi nghiêm túc, nhìn trực tiếp và hài hòa (không nhìn chằm chằm) vào mặt đối phương, không ngó liếc xung quanh, đảo mắt…
4. Chuẩn bị kỹ năng nghiệp vụ cần thiết
Hãy tự tìm hiểu và chuẩn bị những kiến thức cần thiết về Công ty và thông tin Công việc kinh doanh của công ty đó trước khi đến phỏng vấn.
Trong buổi phỏng vấn hãy cố gắng đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng về những vấn đề mình quan tâm hoặc chưa hiểu rõ về vị trí, công việc tại công ty đang cần tuyển dụng. Việc đặt câu hỏi khi phỏng vấn không phải là việc xấu. Và người đặt câu hỏi thường sẽ để lại ấn tượng tốt hơn những người không có câu hỏi.
5. Nên luyện tập phỏng vấn trước tại nhà trước khi tham gia.

Nên luyện tập trước theo những dự trù của bạn về câu hỏi, câu trả lời…
Hãy luyện tập trước một chút. Bạn hãy vừa tưởng tượng nếu bạn là người phỏng vấn bạn sẽ hỏi những gì và tự luyện tập với những câu hỏi đó. Nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn có câu hỏi gì với họ…
Nếu có điều gì chưa rõ thì hãy thảo luận với bạn bè và người quen để có thêm sự chuẩn bị.
6. Hỏi lại ngay khi chưa rõ vấn đề – đây là vấn đề cần hết sức chú ý.
Khi phỏng vấn tại công ty Nhật có khả năng bạn sẽ được phỏng vấn bằng Tiếng Nhật. Có công ty sẽ có biên phiên dịch hỗ trợ cho bạn, số khác thì không. Và nếu như bạn được gọi phỏng vấn những vị trí yêu cầu tiếng Nhật cao, như Nhân viên Biên phiên dịch chẳng hạn thì xác suất phải trả lời phỏng vấn bằng tiếng Nhật sẽ rất lớn. Chính vì vậy, việc chưa hiểu ý câu hỏi sẽ là điều mà bạn có thể gặp phải, nhưng đừng quá hoang mang, hay run sợ.
Khi không hiểu rõ câu hỏi, đừng trả lời một cách mập mờ khó hiểu. Bởi vì nhà tuyển dụng không nghĩ rằng những người trả lời mập mờ khó hiểu sẽ làm việc tốt, bên cạnh đó nếu chẳng may bạn trả lời không rõ ý hoặc sai ý câu hỏi sẽ làm nhà tuyển dụng thấy bạn là người cẩu thả, không đáng tin. Do đó, khi không hiểu rõ, hãy cho nhà tuyển dụng biết rõ điều bạn chưa hiểu là gì (tiếng Nhật- hay nội dung câu hỏi…) để họ có thể lặp lại vấn đề một lần nữa.
7. Hãy trả lời các câu hỏi một cách ngắn gọn và rõ ràng.
Ví dụ: Nhà của bạn ở đâu? X: Nhà của tôi là nơi nếu đi bằng xe máy từ chỗ này sẽ mất 40 phút. O: Nhà của tôi ở đường Lê Thánh Tôn. Nếu người phỏng vấn muốn biết thời gian đi làm sẽ hỏi là “Bạn đến công ty mất bao nhiêu phút?”. Còn ở đây câu hỏi là “Ở đâu” có nghĩa người phỏng vấn đang hỏi về địa điểm chứ không phải thời gian.
8. Giữ nét mặt tươi tắn, tự tin.
Hãy trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng bằng gương mặt tươi tắn. Nếu bạn tham gia phỏng vấn và trả lời câu hỏi bằng một gương mặt không khỏe khoắn, sẽ khiến cho NTD nghĩ rằng bạn không thích hoặc không muốn làm việc tại công ty của họ. Điều đó sẽ không tốt cho bạn.
Bên cạnh đó vẻ ngoài rụt rè, không tự tin cũng sẽ tạo hình ảnh tiêu cực trong mắt nhà tuyển dụng. Bạn nên trả lời dứt khoát, lúc trả lời không nên nhìn chỗ khác mà hãy nhìn vào mắt nhà tuyển dụng bằng sự tự tin của mình.
9. Trung thực trong lúc trả lời
Khi được hỏi về lương bổng, hãy trả lời một cách thành thật mong muốn nguyện vọng của bản thân. Nếu bạn nói không thật, khi bạn được nhận vào làm, đương nhiên bạn sẽ không được che dấu hoàn toàn được, và việc đó chắc chắn sẽ gây thêm hệ lụy về sau. Trong quá trình làm việc, công ty phát hiện ra những điều không thành thật về bạn trong lúc phỏng vấn, họ sẽ không bao giờ giao cho bạn những công việc quan trọng, và thái độ đối với bạn cũng sẽ khác.
10. Khi bạn muốn Từ chối công việc
Nếu sau khi phỏng vấn bạn không muốn làm việc ở công ty của họ, đừng nói ngay mà hãy để vào một ngày khác. Có thể là ngày mai hoặc trễ hơn trong vòng hai đến ba ngày kể từ ngày phỏng vấn. Nhiều ứng viên cảm thấy ngại, thường không nhận cuộc gọi hoặc không trả lời Email của công ty, nhưng những việc làm đó làm bạn không chuyên nghiệp, công ty Nhật sẽ xem xét điều đó.
11. Cảm ơn sau khi phỏng vấn
Sau khi buổi phỏng vấn kết thúc hãy nói lời cám ơn với nhà tuyển dụng. Việc này sẽ để lại ấn tượng tốt. Bên cạnh đó bạn nên sử dụng kính ngữ trong suốt quá trình phỏng vấn.
Nắm được những quan điểm và suy nghĩ của nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn có được cuộc phỏng vấn với các Người quản lí của công ty Nhật thành công. Chúc bạn sớm tìm được công việc mơ ước!